1/BIA KỶ NIỆM TRẬN TẤN CÔNG MẬU THÂN 1968
Quân Giải phóng hoạch định một trận đánh gây tiếng vang lớn và vạch ra kế hoạch chiến lược năm 1968: chuyển hướng tiến công chiến lược chủ yếu từ rừng núi, nông thôn vào đô thị lớn, nhất là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng để tạo đột phá cho chiến tranh, nhằm buộc Hoa Kỳ xuống thang chiến tranh đi vào đàm phán.
Theo kế hoạch chung, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân sẽ nổ ra vào ngày 30 rạng ngày 31.01.1968 tức là vào đêm giao thừa ở miền Nam. Nhưng đến ngày 30.01.1968, Đặc khu ủy Quảng Đà và Mặt trận 4 nhận được lệnh lui dời nổ súng lại 24 giờ, tức là vào đêm 31.011968. Do địa bàn chia cắt, thông tin liên lạc không được đảm bảo, Đặc khu ủy chỉ kịp thông báo lệnh hoãn giờ G xuống một số địa phương, đơn vị; do đó cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở quận Nhất cũng như toàn thể Quảng Đà vẫn nổ ra đêm 30 rạng ngày 31.01.1968.
Nhìn chung, quân ta đã đánh mạnh các mục tiêu ngoại vi, nhưng ở mũi chủ công chính diện đánh vào Bộ Tư lệnh Quân đoàn I ngụy, quân ta vấp phải nhiều khó khăn và bị tổn thất nặng nề. Về lực lượng quần chúng, vào lúc 5 giờ ngày 31.01.1968, cánh quân khởi nghĩa của vùng cát Hòa Vang - Điện Bàn, gồm 7.400 người vị trí tập kết quân ở Trung Lương tràn ra sông Cẩm Lệ, ở đây ta huy động sẵn 10 chiếc thuyền và 3 ca nô chở quân khởi nghĩa vượt sông để vào quận Nhất Đà Nẵng. Mỹ - ngụy ra lệnh thiết quân luật ngay từ sáng Mùng một Tết, một số CB, đảng viên và cơ sở bị địch bắt, hơn một nữa số cơ sở bị vỡ.
Cũng như tình hình chung của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân trên toàn thành phố, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân trên địa bàn quận Nhất chưa hoàn thành các nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên Đảng bộ và nhân dân quận Nhất đã góp phần cùng nhân dân thành phố Đà Nẵng và miền Nam giáng một đòn quyết định vào chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ thúc đẩy sự nghiệp giải phóng đất nước nhanh đến ngày toàn thắng.
2/DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT: ĐÌNH NẠI NAM VÀ
BIA TƯỞNG NIỆM CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ
Đình Nại Nam được xây dựng vào năm Ất Tỵ (1905) do nhân dân và những người có chức sắc trong làng Nại Nam như các ông Nguyễn Văn Cửu, Nguyễn Bậc, Nguyễn Văn Thanh và Bùi Văn Đắc tham gia đóng góp xây dựng để thờ Thần Hoàng Bổn xứ (thần giữ đất làng) và thờ vọng tổ tiên 18 chư phái tộc.
Ngày nay di tích đình làng Nại Nam ngoài giá trị của một di tích kiến trúc cổ, một trong những ngôi đình làng tiêu biểu còn lại của thành phố Đà Nẵng, đình Nại Nam còn là cơ sở hoạt động cách mạng của nhân dân địa phương qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Ngày nay, phần lớn các anh chị hoạt động cách mạng tại đình đã hy sinh. Năm 1996, UBND phường Hòa Cường Bắc đã xây dựng một nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ.
Bia tưởng niệm hiện khắc tên 121 Anh hùng liệt sĩ Hòa Cường qua các thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc: Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp có 49 vị; kháng chiến chống đế quốc Mỹ có 51 vị và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc sau năm 1975 có 21 vị. Với truyền thống Anh hùng LLVT nhân dân đã thúc giục con em Hòa Cường lên đường tham gia chiến đấu và đã có nhiều tấm gương anh dũng hy sinh tại chiến trường biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ Quốc tế bảo vệ nhân dân Campuchia trước nạn diệt chủng Pôn - pốt. Vào ngày 14 tháng 3 năm 1988, trên đảo Gac-ma thuộc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc 07 chiến sỹ Hải quân quân đội nhân dân Việt Nam là con em phường Hòa Cường cùng với các chiến sỹ Trung đoàn 83 Anh hùng đã kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh để bảo vệ biên cương hải đảo của Tổ quốc. Các anh đã vĩnh viễn nằm lại nơi biển đảo xa xôi khi tuổi các anh mới chỉ mười tám đôi mươi, để dân tộc Việt Nam tiếp tục ca khúc khải hoàn trên nền tảng chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và dân tộc Việt Nam đã lựa chọn.
3/DI TÍCH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG: ĐẦU CẦU NGUYỄN VĂN TRỖI – NƠI ANH NGUYỄN VĂN DỰ HY SINH CUỐI CÙNG TRONG
NGÀY GIẢI PHÓNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG 29/3/1975
Trong không khí sục sôi chiến thắng của cách mạng miền Nam đầu tháng 3-1975, quân và dân Đà Nẵng tích cực hưởng ứng kế hoạch giải phóng thành phố. Theo tinh thần cuộc họp ngày 26-3-1975, tại Điện Hoà - Điện Bàn do Đặc Khu uỷ triệu tập, gồm các đồng chí Bí thư và cán bộ đầu ngành của 3 quận I, II, III về kế hoạch khởi nghĩa, đồng chí Phạm Kiều Đa (Quận đội phó quận I), đồng chí Huỳnh Ngọc Châu (Khu đội trưởng Khu Hoà Cường) trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đội biệt động lập phương án tác chiến, để cùng phối hợp với các lực lượng khác giải phóng Đà Nẵng. Cụ thể là tiến hành diệt ác ôn, chốt giữ vùng ngã tư Quân đoàn I (nay là Quân khu V) nhằm ngăn chặn đường tháo chạy của địch và dẫn đường cho quân chủ lực của ta tiến vào.
Nửa đêm ngày 28/3/1975, đồng chí Phạm Kiều Đa đã nhận được lệnh của Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 triển khai vượt sông Cẩm Lệ, bí mật ém sẵn lực lượng để sáng ngày 29/3/1975 tiến hành công kích và tổ chức cho quần chúng nổi dậy đánh chiếm các mục tiêu trong lòng thành phố.
Nhận nhiệm vụ, đồng chí Trần Tiến triển khai kế hoạch chiến đấu, chia Đội thành 3 tổ tác chiến trên 3 vị trí chiến thuật:
- Tổ 1 gồm đ/c Trần Tiến, đ/c Trần Thới, đ/c Nguyễn Văn Dự và đ/c Phạm Tài cải trang làm dân chài, đi ghe máy từ Đò Xu về chốt ngay đầu cầu Trịnh Minh Thế (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi).
- Tổ 2 gồm đ/c Ngô Mỹ, đ/c Huỳnh Tràng và đ/c Ngô Văn Hưng cải trang thành lính thuỷ đánh bộ, chốt giữ đoạn ngã tư Quân đoàn I - Võ Tánh (nay là đường Núi Thành).
- Tổ 3 gồm đ/c Ngô Đa phối hợp với đội tự vệ chốt tại bến Đò Xu, thực hiện diệt ác ôn, chặn đường rút chạy của địch từ hướng Hoà Vang. Khoảng 8 giờ 30 phút ngày 29-3-1975, các mũi tấn công của Đội biệt động đã vào vị trí chiến đấu bí mật, an toàn.
Đúng theo dự đoán của ta, trong thất bại và hổn loạn, một cánh quân thuộc lực lượng thủy quân lục chiến ngụy tháo chạy về phía cầu, tìm mọi cách thoát sang bãi biển Mỹ Khê chờ tàu đến cứu viện. Tại đầu cầu Trịnh Minh Thế, lực lượng thủy quân lục chiến ngụy bị đội biệt động của Nguyễn Văn Dự nổ súng chặn đánh quyết liệt, một số tên bị tiêu diệt, số còn lại khiếp hãi quẳn súng, vứt mũ, cởi cả áo quần lẫn trốn trong dân. Đại đội biệt động của Nguyễn Văn Dự quyết tâm đánh giữ ngã tư đầu cầu, làm tan rã cánh quân thủy quân lục chiến ngụy, đồng thời tạo điều kiện cho các lực lượng của ta đánh chiếm các mục tiêu Quân đoàn I, Tòa thị chính, quận trấn, Đài phát thanh, nhà đèn, Ty Gia long, phối hợp cánh vụ hồi hướng quân Đông Giang... Bọn địch từ cảng quân sự Đà Nẵng (gần cầu Trịnh Minh Thế) hay tin lập tức dùng M.72 bắn liên tục vào giữa đội hình của ta. Đồng chí Ngô Mỹ bị gãy một cánh tay. Đồng chí Nguyễn Văn Dự do vết thương quá nặng đã anh dũng hy sinh.
Trên đà tấn công, quân chủ lực của ta tiến sâu vào Đà Nẵng truy quét giặc, và cho đến chiều 29 - 3 - 1975, tiếng súng cơ bản chấm dứt. Cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Toà Thị chính, báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ - ngụy tại miền Trung. Chiến dịch giải phóng thành phố Đà Nẵng kết thúc. Nhân dân Đà Nẵng đổ ra đường chào đón những người con anh hùng của quê hương trong niềm vui chiến thắng.
Riêng với Nguyễn Văn Dự, người chiến sỹ biệt động đã không được cùng đồng đội hoà mình giữa rừng người, rừng cờ để cất lên khúc ca khải hoàn. Anh là người chiến sĩ ngã xuống cuối cùng trong chiến dịch giải phóng Đà Nẵng năm 1975. Máu của anh là dấu chấm đỏ ngời khép lại một trang sử hào hùng trong "cuốn sách" cách mạng dân tộc giải phóng.
4/ DI TÍCH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG "PHÒNG TUYẾN VIỆN CỔ CHÀM
VÀ ĐỒN VÕ TÁNH"
Tại Đà Nẵng, Trung đoàn 96 (còn gọi là Trung đoàn Thái Phiên) lúc bấy giờ đang làm nhiệm vụ "tiếp phòng quân, liên kiểm Việt - Pháp" là đơn vị vũ trang mạnh của ta đối đầu với quân Pháp do đ/c Nguyễn Bá Phát chỉ huy. Đáp lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ Tịch, mờ sáng ngày 20/12/1946, các lực lượng vũ trang và nhân dân Đà Nẵng bao gồm Trung đoàn 96, Trung đoàn 93, tự vệ, Công an và các đơn vị của Đà Nẵng đồng loạt nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp tại Đà Nẵng.
Riêng tại khu vực quanh Cổ Viện Chàm này, là nơi quyết chiến điểm của ta, tại đây Tiểu đoàn 17 thể hiện là một tiểu đoàn mạnh Trung đoàn 96 cùng với công an, tự vệ và nhân dân Đà Nẵng đã chiến đấu liên tục ngày đêm từ 20 đến 23/12/1946, đánh trả các cánh quân Pháp đang tiến về chợ Mới hòng giải vây cho sân bay. Khu vực Cổ Viện Chàm trở thành pháo đài kiên cố của ta, khống chế hai con đường từ Cảng Đà Nẵng theo dọc sông Hàn chạy lên, quân Pháp không sao tiến lên được, cuộc chiến đấu hết sức gay go, quyết liệt. Lực lượng không cân sức, địch có xe tăng và xe bọc thép. Còn quân ta tuy với vũ khí thô sơ ... đã ngoan cường dũng cảm chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, đã sử dụng cả bàn ghế, cánh cửa gạch đá ném vào đầu giặc. Dưới trời mưa lạnh, các chiến sĩ ta đánh đến lúc không còn gì trong tay. Đã có vài đồng chí ngã xuống hy sinh tại vị trí chiến đấu. Cuộc chiến đấu tại khu vực Cổ Viện Chàm này đã gây cho địch thiệt hại không nhỏ. Đến ngày 24/12/1946, quân ta được lệnh rút khỏi thành phố để bảo toàn lực lượng.
Cuộc chiến đấu của Trung đoàn 96 cùng với Tự vệ, Công an và nhân dân Đà Nẵng tại khu vực Cổ Viện Chàm thể hiện tinh thần tự lực, tự cường sáng tạo, bất khuất trước một kẻ thù mạnh hơn ta gấp nhiều lần, ngăn chặn và phá tan kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh" của thực dân Pháp, buộc chúng phải đánh lâu dài, để ta có điều kiện củng cố lực lượng chuẩn bị mọi mặt bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến.
Cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược trải dài 9 năm kết thúc thắng lợi mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Nhưng "đường giải phóng mới đi vào một nữa" trong khi Miền Bắc hoàn toàn giải phóng thì miền Nam vĩ tuyến 17 trở vào nằm dưới sự kiểm soát của kẻ thù. Lúc này, kẻ thù chính của nhân ta là Đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm. Cùng với cả nước quân và dân Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh phong trào kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Thành ủy Đà Nẵng chủ trương vận động và tập hợp lực lượng quần chúng vùng ven thành phố vào phối hợp với nhân dân nội thành xuống đường biểu dương lực lượng, hoan hô Hiệp định Giơ-Ne-Vơ, đón chào hòa bình, đòi trả chồng con bị bắt lính trở về gia đình.
Sáng ngày 01/8/1954, đông đảo quần chúng nhân dân, phần lớn là các mẹ, các chị từ các khu vực sông Đà, An Hải, Mỹ Thị, Chợ Mới, Cẩm Lệ, Hải Châu, Nại Hiên ... rầm rập đổ ra đường kéo đến đồn Võ Tánh (trường Trung học phổ thông Trần Phú cũ- địa điểm gắn bia hiện nay) căn cứ tiếp liệu của quân Pháp là nơi tập trung số thanh niên bị động viên vào lính. Đoàn biểu tình của quần chúng được sự hỗ trợ của công nhân khuân vác và chị em tiểu thương ở các chợ. Số lượng quần chúng tham gia biểu tình lên tới khoảng 25.000 người.
Trước sự kinh hoàng, hốt hoảng của bọn chỉ huy, các mẹ, các chị đòi được gặp chồng con, anh em mình và đoàn tụ gia đình. Cờ đỏ sao vàng được dấu trong các rổ đi chợ, đã được trương ra rực rỡ cả một góc trời. Quần chúng ào ào xông vào đồn giặc, lính gác tỏ thái độ đồng tình không ngăn cản hoạt động của quần chúng.
Các chị Phùng Thị Tương và Đặng Thị Trợ cùng nhiều bà con khác kéo đến trước cột cờ, hạ lá cờ 3 que xuống và kéo cờ đỏ sao vàng lên. Bọn giặc hoảng sợ nổ súng đàn áp, chị Phùng Thị Tương đã hy sinh oanh liệt. Quần chúng phẩn nộ bất chấp sự đe dọa của bọn chỉ huy đầu sỏ, xông vào kho tiếp liệu, đốt xe quân sự địch, giải thoát chồng con, anh em mình.Tiếp ngày hôm sau chị Đặng Thị Trợ hy sinh. Nhân dân đã tổ chức trọng thể đám tang hai liệt sĩ biểu dương khí thế cách mạng hào hùng.
Cuộc đấu tranh kéo dài hơn bốn ngày đầu tháng 08/1954 đã gây xúc động mạnh mẽ trong toàn thể nhân dân Đà Nẵng và các huyện xung quanh thành phố, đánh dấu sự kết thúc thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và bắt đầu chuyển sang thời kỳ đấu tranh của quần chúng, sức mạnh của đấu tranh chính trị được tổ chức và lãnh đạo chặt chẽ mở đầu giai đoạn đấu tranh trung dũng kiên cường chống Mỹ ngụy đô thị Đà Nẵng.
5/BIA LƯU NIỆM SỰ KIỆN TRẬN ĐÁNH NHÀ MÁY ĐÈN LIÊN TRÌ
Với khí thế tấn công nổi dậy Xuân 1968 - "Đợt I - X2", Đại đội Đặc công- Biệt động Lê Độ tiến công vào cơ quan đầu não của địch là Quận vụ Thị Trấn và Đài phát thanh Đà Nẵng, sau đó chuyến sang chốt đánh phản kích tại khu phố Xuơng Bình (Khu chuồng bò) trong đêm 22 và cả ngày 23/8/1968 bắn cháy cả xe tăng ngay trên đường Thống Nhất ( nay là đường Lê Duẫn), đánh bại nhiều đợt phản kích của nhiều tiểu đoàn Mỹ ngụy có cả máy bay, xe bọc thép pháo bắn thẳng yểm trợ làm rung chuyển cả Đà Nẵng.
Đến xuân Kỷ Dậu - Chiến dịch "Quang Trung" Đợt II - X2. Đại đội Đặc công- Biệt động Lê Độ lại một lần nữa nhận nhiệm vụ chọc sâu đánh 2 mục tiêu trong nội thành Đà Nẵng.
-Mục tiêu thứ nhất: Đánh Ty Cảnh sát Gia Long, do đồng chí Nguyễn Đình Tham, Đại đội trưởng làm mũi trưởng cùng 11đồng chí. Khi đưa quân ra ém lót tại địa điểm tậpkết chờ đến giờ "G" (giờ nổ súng) nhưng vũ khí cơ sở không chuyển đến được. Trước tình thế bị bại lộ, Đồng chí Tham ra lệnh phân tán để bảo toàn lực lượng.
-Mục tiêu thứ hai: Đánh vào nhà máy điện Liên Trì (Nhà máy đèn Đà Nẵng) Tại nơi các đồng chí đang đứng đây, do đồng chí Thái Xuân Hổ - Chính trị viên phó Đại đội làm mũi trưởng cùng 9 đồng chí chia làm 2 tổ; Phối hợp trận đánh có:
+ Đồng chí Phạm Hồng Oanh - Độitrưởng đội biệt động 2 của Quận (chuẩn bị địa điểm tập kết quân và vũ khí)
+ Đồng chí Nguyễn Đình Lợi- Đội trưởng đội Biệt động 3 của Quận (vẽ sơ đồ nhà máy, hệ thống phòng thủ và quy luật hoạt động của địch giúp xây dựng phương án tác chiến)
+ Đồng chí Lê Tự Bốn: Cơ sở của ta làm công nhân trong nhà máy (Trực tiếp đưa cán bộ đi hợp pháp quan sát cụ thể mục tiêu, định hướng tiến công, sau đó tham gia cùng mũi đánh vào trung tâm nhà máy)
Theo kế hoạch tại điểm tập kết tại số nhà 448/1 Trưng Nữ Vương Đà Nẵng (đối diện nhà máy điện) nhận vũ khí. Riêng khẩu hỏa lực B40 có súng mà không có đạn.
Hiệp đồng đúng giờ G là 24 giờ nổ súng. Nhưng đến 22 giờ ngày 22/02/1969 (mồng 4 tết Kỷ Dậu) do chuẩn bị chiến trường chung bị bại lộ, nên bọn địch triển khai lùng sục yêu cầu gia đình mở cửa. Tình thế hiểm nguy không còn yếu tố bí mật, buộc quân ta phải nổ súng tiến công đánh bật quân địch ra ngoài đường cái, lúc này ta hy sinh 2 đồng chí là đồng chí Nguyễn Văn Thành và đồng chí Đặng Xứng. Đồng chí Hổ lập tức động viên anh em và nhanh chóng tổ chức đội hình chiến đấu tiêu diệt quân địch. Tấn công vào mục tiêu chính không thành do không có hỏa lực B40. Lúc này quân địch báo động toàn lực lượng, súng đại liên các lô cốt và trên chòi gác bắn liên tục và bao vây quân ta, trong lúc đó đồng chí Võ Thị Nhị lại bị thương nặng, anh em vừa giải quyết thương binh vừa tổ chức chuyển sang đánh địch trên đường Trưng Nữ Vương và đường Hoàng Diệu suốt trong đêm 22 đến 5h sáng ngày hôm sau ngày 23/2/196 , vừa hết đạn vừa đói khát, quân ta sơ tán lực lượng.
Kết quả trận đánh:
- Tiêu diệt hơn 30 tên địch (Theo sử Biệt động),
- Bên ta hy sinh 3 đồng chí (Đ/c Nguyễn VănThành, Đ/c Đặng Xứng, Đ/c Võ Thị Nhị),
- Mất tích: 1 đồng chí (Đ/c Bốn, Công nhân Nhà máy đèn Liên trì, Chiến sĩ Biệt động đội II quận Nhất).
- Số còn lại bị địch bắt tra tấn dã mang, tàn bạo và sau đó lưu đày Côn Đảo.
Năm tháng đã qua đi song chiến công ấy mãi mãi tỏa sáng, là niềm tự hào cho quân dân Hải Châu nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung. Vì vậy việc giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng, di tích lịch sử của quân dân trên địa bàn quận Hải Châu là việc làm hết sức cần thiết, nó như một tấm gương soi cho thế hệ trẻ ngày hôm nay và muôn đời con cháu mai sau.
6/DI TÍCH LỊCH SỬ NGHĨA TRỦNG PHƯỚC NINH
Nghĩa trủng Phước Ninh là tên thường gọi trong nhân dân (gọi nghĩa trủng Phước Ninh là vì khi lập khu nghĩa trủng - người ta chọn vùng đất Phước Ninh (vùng đất này trước đây vừa sầm uất, vừa đẹp, địa thế thuận lợi, và địa danh Phước Ninh là địa danh có từ những thế kỷ truớc) nên lúc xây dựng xong nghĩa trủng người ta gọi nghĩa trủng này kèm theo tên địa danh Phước Ninh cho dễ nhớ - lâu ngày trở thành tên gọi quen thuộc trong nhân dân.
Hiện nay qua tìm hiểu và nghiên cứu văn bia còn lưu lại ở nghĩa trủng Phước Ninh (nay thuộc phường Nam Dương, thành phố Đà Nẵng ) chúng ta được biết nghĩa trủng Phước Ninh là nơi qui tụ thi hài các chiến sĩ và đồng bào ta đã hy sinh vì nước trong buổi đầu chống Pháp (1858 - 1860).
Cùng với Thành Điện Hải, Nghĩa trủng Phước Ninh góp phần giúp chúng ta biết thêm về cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong buổi đầu chống Pháp xâm lược vào nửa cuối thế kỷ 19 (1858 - 1860). Ngày nay Nghĩa trủng Phước Ninh là một di tích lịch sử quan trọng, là nơi đầu tiên đón nhận các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì nước, và cũng là một trong những di tích tiêu biểu thời kỳ này còn lại ở Quảng Nam, có lẻ khắp nước ta không nơi nào có được một nghĩa trủng mà qui tụ đầy đủ các tướng sĩ, quân đội đã hy sinh như Nghĩa trủng Phước Ninh, dấu ấn lịch sử của nó để lại thật sâu sắc, bảo vệ và biểu dương nó là nhiệm vụ của thế hệ chúng ta ngày nay và mai sau.
7/ DI TÍCH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG: ĐỊA ĐIỂM TRẬN ĐÁNH ĐÀI PHÁT THANH VÀ PHẢN KÍCH TẠI HẺM CHUỒNG BÒ
Sau tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968, ở thành phố Đà Nẵng Đại đội Biệt động Lê Độ ra đời đã phát huy truyền thống "Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ" của quân và dân Quảng Nam Đà Nẵng. Đại đội đã đi đánh các căn cứ địch trong thành phố đạt nhiều thắng lợi lớn. Đến hè năm 1968 Đại đội tham gia chiến dịch nhưng không thực hiện được, nên chuyển sang thu 1968 do Khu ủy và Bộ Tư lệnh quân khu V mở, thời gian chính thức là ngày 23/8/1968 nổ súng, có hai mục tiêu lớn (Đánh vào Quân vụ thị trấn Đà Nẵng và Đài phát thanh) và một số mục tiêu nhỏ.
Mục tiêu đánh vào Đài phát thanh Đà Nẵng do đ/c Nguyễn Đình Sơn Đại đội phó chỉ huy nhằm tiêu diệt bọn đầu sỏ đặc khu Đà Nẵng; chiếm Đài phát thanh để phát lên tiếng nói của lực lượng quân giải phóng; đọc lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; làm cho quân dịch hoang mang tư tưởng; gây tiếng vang trong thành phố Đà Nẵng và cả miền Nam.
Vào 19h30 đến 20 giờ ngày 22/8/1968 lực lượng của ta tập kết đuợc 10 đ/c (tại nhà 38b Quang Trung) với vũ khí được nhận thì chỉ có 6 khẩu AK, 2 kg thuốc C4 có kíp, một số đạn dượt. Đ/c Sơn lên phương án sơ đồ tác chiến và chia 3 tổ để sẵn sàng chiến đấu. Nhưng đến khoản 21 giờ 30, cơ sở ở đây bị lộ, địch nổ súng vào địa điểm tập kết quân của ta. Yếu tố bí mật bất ngờ từ đầu không thực hiện được, các chiễn sĩ biệt động vẫn quyết đánh địch đến cùng. Đại đội Lê Độ bám nhà dân đánh trả suốt đêm 1 chiến sĩ đã hy sinh, 2 chiến sĩ bị thương địch bắt, đến 5 giờ sáng ngày 23/6/1968 thì đội hình của ta lộ, khó đánh chiếm Đài phát thanh, nên chuyển sang chốt đánh phản kích địch tại khu chuồng bò khối phố Xương Bình (phường Thanh Bình). Lúc này các chiến sĩ ta cởi bỏ đồ lính, toàn mũi còn lại nổ súng bắn mạnh vào lô cốt, kiểm chế bọn tiểu đoàn 39 Biệt động quân tạo thế cho mũi phát triển chiến đấu trên đường Đống Đa.
Đến khoảng 8 giờ sáng trong ngày, tình hình phát triển chiến đấu trên đường phố càng phức tạp, căng thẳng, cả thành phố náo động. Lực lượng ta chốt chiếm một nhà gác ở trung tâm khu vực gần chuồng bò để dễ dàng quan sát địch. Tại điểm chốt các chiến sĩ biệt động đã làm tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân di chuyển đi khu vực khác và được sử dụng đồ dùng làm công sự chiến đấu. Địch tổ chức phản công dùng ô tô Ran- đê bao quanh khu vực đó, trên không thì có máy bay dùng loa kêu gọi anh em đầu hàng, chiêu hồi. Đồng thời lính Mỹ điều quân từ khách sạn Đà Nẵng dọc lên để hổ trợ cho lính ngụy bao vây lực lượng ta nhằm bắt sống. Nhưng các đ/c biệt động của ta tại điểm chốt rất dũng cảm, gan dạ đáp lại bằng loa miệng "chúng tôi là con em của nhân dân, đánh giặc để giải phóng nhân dân, không phải là bọn cướp nước và bán nước mà đầu hàng phản bội" và cùng hát lên bài ca "Đoàn ta là giải phóng quân ..." các chiến sĩ biệt động quyết chiến đấu đến cùng, các đ/c bắn tỉa từng tên một làm cho địch không tiến vô được.
Từ sáng đến quá trưa (khoảng 13h30) trong ngày, địch mở nhiều đợt tấn công, bọn chúng dùng cả xe súng ĐKZ chạy quanh khu vực chuồng bò và dùng nhiều vũ khí bắn mạnh vào điểm chốt làm cho đ/c Sơn bị thương.
Các đ/c ta dùng điểm chốt bắn tỉa từng tên một tiêu hao lực lượng, địch bị ta đẩy lùi nên địch rút ra củng cố lại đội hình, tăng cường lực lượng có cả xe thiết giáp, đại diện, lựu đạn cay, quả mù bắn trả vào điểm chốt của ta làm cho đ/c Huệ bị thương, đ/c Huân trúng đạn hy sinh.
Chiến đấu suốt đêm, hai phần ngày 23/8/1968 không ăn, không uống, tình hình căng thẳng. Lực lượng ta chỉ còn hai đ/c Nghĩa và Phúc động viên nhau chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, sẵn sàng chờ địch để đánh. Đến chiều, khoảng 15h30 địch đánh mạnh, súng gần hết đạn nên 2 đồng chí ta chờ từng tên đến gần mới diệt. Chiến đấu một lúc thì súng hết đạn, đ/c Nghĩa hy sinh, đ/c Phúc phá súng và ngất đi.
Thấy im tiếng súng, địch tràn vào bắt bốn đ/c biệt động bị thương và ngất tại khu hẽm chuồng bò.
Mũi tấn công vào đài phát thanh ngụy của 10 đ/c trong Đại hội Biệt động Lê Độ không thực hiện được, nhưng lực lượng ta đã chuyển sang chốt Xương Bình tại khu chuồng bò đánh địch phản kích ban ngày từ sáng đến chiều, đánh lui nhiều đợt tấn công của Mỹ - Ngụy diệt và làm bị thương nhiều tên địch. Các đ/c đã chiến đấu dũng cảm và gan dạ đến viên đạn cuối cùng, có đ/c đã dùng máu mình ghi lên tường "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh", có đ/c khi bị bắt vẫn gan dạ không khai báo một lời. Ta hy sinh tại trận 4 đ/c, một đ/c hy sinh tại bệnh viện.
Thắng lợi này đã góp phần cùng quân dân miền Nam, cả nước đánh bại chiến tranh cục bộ của Đế Quốc Mỹ, đưa cuộc chiến vào tận hang ổ đầu não của Mỹ Ngụy dù ở bất cứ nơi đâu, dù đó là thành phố cũng bị các chiến sĩ giải phóng tấn công. Đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng vũ trang Thành Đà Nẵng thúc đẩy phong trào giải phóng đất nước tiến nhanh đến ngày toàn thắng.
8/DI TÍCH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG: QUÂN VỤ THỊ TRẤN
Quân vụ Thị trấn còn gọi là Quân trấn - cơ quan quân sự tại Đà Nẵng của Mỹ -ngụy nằm ở góc đường Độc Lập và đường Thống Nhất (nay là đường Trần Phú và đường Lê Duẩn). Cơ quan quân sự của tên đại tá Nguyễn Thành Yến làm việc, có một đại đội lính đặc khu bảo vệ, và có từ 1 đến 3 xe M113 ứng chiến.
Ngày 22/8/1968 Ban Chỉ huy Đại đội Lê độ sử dụng một mũi 9 đồng chí do Đại đội trưởng Thái Thanh A chỉ huy trực tiếp làm mũi trưởng, đ/c Nguyễn Văn Cư chính trị viên phó làm mũi phó, Hoàng Lương Đức chiến đấu viên, Ngô Hà, Nguyễn Văn Lục tổ trưởng và xạ thủ B40, Kiều Thị Hoa chiến đấu viên, Nguyễn Thị Tám cán bộ chốt nắm tình hình. Vũ khí trang bị gồm 2 khẩu B40, 4 quả lựu đạn, 4 tiểu liên AK xếp, 8 băng đạn và một khẩu súng ngắn K54, tấn công vào Quân vụ Thị trấn. Mục đích đánh địch lần này nhằm tiêu diệt bọn đầu sỏ đặc khu Đà Nẵng, làm cho địch hoang mang tư tưởng gây tiếng vang trong thành phố Đà Nẵng và cả Miền Nam, đẩy nhanh sự suy sụp chế độ Mỹ - nguỵ . Vì vậy trận tấn công vào Quân vụ Thị trấn nằm trong ý đồ chiến lược của ta.
Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt ngay tại trung tâm thành phố khiến cả thành phố náo động. Các chiến sĩ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Đồng chí Hà và Đồng chí Lục dấu mình sau nhà Ngân khố (Nay là đại diện Báo Đà Nẵng) đến gần sáng thì địch phát hiện bắt và bắt cả đồng chí Đức. Còn đồng chí Tám trực tiếp theo dõi diễn biến trận đánh đã mưu trí rút lui về căn cứ (và đồng chí cũng đã hy sinh trong trận đánh sau).
Mũi tiến công vào Quân vụ thị trấn tuy bên ta có tổn thất, ba đồng chí hy sinh (đồng chí Thái Thanh A, đồng chí Nguyễn Văn Cư và đồng chí Kiều Thị Hoa) và 3 đồng chí bị địch bắt đày Côn Đảo (đồng chí Nguyễn Văn Lục, đồng chí Hoàng Đức Lương, riêng đồng chí Ngô Hà kết án tử hình) nhưng thiệt hại của địch lớn hơn nhiều, các chiến sĩ biệt động đã diệt một tiểu đội trực chiến, 1 xe bọc thép, 1 xe GMC, phá huỷ 1 lô cốt, 1 súng đại liên, bắn sập 1 tầng nhà làm việc ...
Trận tấn công vào Quân vụ Thị trấn ta chưa làm chủ mục tiêu trong thời gian dài song nó có một ý nghĩa hết sức to lớn. Ta tấn công địch ở một cơ quan quân sự nằm ngay trung tâm thành phố , đánh thọc sâu vào đầu não của địch mà địch cho rằng "bất khả xam phạm" khiến cho kẻ địch lo sợ hoang mang đến cùng cực. Tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường của các chiến sĩ biệt động Đà Nẵng đã góp phần vào thắng lợi lớn của sự nổi dậy và tấn công năm 1968 trên chiến trường thành phố Đà Nẵng, đưa cuộc chiến vào tận hang ổ của Mỹ - ngụy dù bất cứ nơi đâu cũng bị các chiến sĩ giải phóng tấn công, thúc đẩy phong trào giải phóng đất nước tiến nhanh đến ngày toàn thắng./.