menu_WAR_haichau1portlet_INSTANCE_BKyHxt47kQOK
Hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình hiện nay
Đăng ngày 15-09-2020 07:35

Ngày 11/9, UBND quận Hải Châu ban hành Công văn số 1515/UBND-PTP về hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình hiện nay. UBND quận đề nghị Trưởng các phòng, ngành và Chủ tịch UBND 13 phường thuộc quận theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị triển khai thực hiện các nội dung sau:

I. MỘT SỐ HÀNH VI VI PHẠM PHỔ BIẾN TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

1. Hành vi “không khai báo hoặc khai báo không trung thực, kịp thời diễn biến bệnh truyền nhiễm của bản thân với thầy thuốc, nhân viên y tế được giao nhiệm vụ”.

a) Hình thức xử phạt: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

b) Cơ sở pháp lý: Điểm a, khoản 1, Điều 9 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 củaChính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế(viết tắt là Nghị định số 176/2013/NĐ-CP).

2. Hành vi “Không tuân thủ chỉ định, hướng dẫn phòng, chống lây nhiễm bệnh truyền nhiễm của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”.

a) Hình thức xử phạt: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

b) Cơ sở pháp lý: Điểm b, khoản 1, Điều 9 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.

3. Hành vi “Không đăng ký theo dõi sức khỏe với trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sau khi ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”.

a) Hình thức xử phạt: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

b) Cơ sở pháp lý: Điểm c, khoản 1, Điều 9 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.

4. Hành vi “Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A”.

a) Hình thức xử phạt: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

b) Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.

c) Cơ sở pháp lý: Điểm b, khoản 2 và khoản 3, Điều 10 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.

5. Hành vi “Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”.

a) Hình thức xử phạt: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

b) Cơ sở pháp lý: Điểm a, khoản 1, Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.

6. Hành vi “Không thông báo cho UBND và cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về các trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật”.

a) Hình thức xử phạt: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

b) Cơ sở pháp lý: Điểm b, khoản 1, Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.

7. Hành vi “Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch”.

a) Hình thức xử phạt: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

b) Cơ sở pháp lý: Điểm a, khoản 2, Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.

8. Hành vi “Không thực hiện hoặc từ chối thực hiệncác biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch”.

a) Hình thức xử phạt: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

b) Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch.

c) Cơ sở pháp lý: Điểm b, khoản 2 và điểm a, khoản 7, Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.

9. Hành vi “Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng”.

a) Hình thức xử phạt: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

b) Cơ sở pháp lý: Điểm c, khoản 4, Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.

10. Hành vi “Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A”.

a) Hình thức xử phạt: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

b) Cơ sở pháp lý: Điểm a, khoản 5, Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.

11. Hành vi “Không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch”.

a) Hình thức xử phạt: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

b) Cơ sở pháp lý: Điểm a, khoản 6, Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.

12. Hành vi “Lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân...(lợi dụng mạng xã hội cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo về dịch bệnh COVID-19 gây hoang mang trong xã hội, kích động)”.

a) Hình thức xử phạt: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

b) Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

c) Cơ sở pháp lý: Điểm d, khoản 1 và khoản 3, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

II. MỘT SỐ LƯU Ý VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

1. Về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính: Việc xử phạt vi phạm hành chính phải đảm bảo các nguyên tắc quy định tại Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính, như sau:

a) Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

b) Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật.

c) Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng.

d) Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định; một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần; nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi ngườivi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó; một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.

đ) Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.

2. Về xác định mức phạt tiền

a) Mức phạt tiền của các hành vi vi phạm nêu tại mục 1 đến 11, Phần I của Công văn này là mức phạt tiền đối với cá nhân; Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

b) Mức phạt tiền của hành vi vi phạm nêu tại mục 12, Phần I của Công văn này là mức phạt tiền đối với tổ chức; trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

c) Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt (khoản 4 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

d) Việc ghi nhận tình tiết giảm nhẹ/tình tiết tăng nặng phải đảm bảo đúng, đầy đủ theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính.

3. Về biên bản vi phạm hành chính

a) Lập biên bản vi phạm hành chính: Việc lập biên bản vi phạm hành chính phải đảm bảo tính kịp thời và đúng quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong quá trình lập biên bản vi phạm hành chính phải áp dụng đúng mẫu biên bản theo quy định; ghi nhận đầy đủ, chính xác các nội dung trong biên bản.

b) Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính

- Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế được quy định tại Điều 94 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.

- Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử được quy định tại Điều 121 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.

- Theo khoản 7 Điều 1 Nghị định số 97/2017/NĐ-CPngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số81/2013/NĐ-CPngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, quy định:

Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính gồm người có thẩm quyền xử phạt, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành. Trường hợp vụ việc vi phạm vừa có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, vừa có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, thì người đó vẫn phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với tất cả các hành vi vi phạm và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính.

4. Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

a) Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước. Theo đó, đối với các hành vi vi phạm tại Phần I của Công văn này, thẩm quyền xử phạt được xác định như sau:

- Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế được quy định cụ thể từ Điều 89 đến Điều 93 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP.
- Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử được quy định cụ thể từ Điều 114 đến Điều 120 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

b) Trong trường hợp người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thì phải thực hiện giao quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành, sử dụng Mẫu quyết định số 29 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

5. Về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Việc xác định thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính: “Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản. Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 và khoản 3, Điều 61 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày…”.

6. Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự

Khi xem xét vụ việc vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc trong quá trình thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự theo quy định tại Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 về việc hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch./.

 

Tây An